Hiện tại,ệtNamcóthểcósângolfvàonădiscord Hòa Bình chỉ có 2 sân golf đang hoạt động và 3 sân khác đã được cấp chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh này đã lên kế hoạch trở thành thủ phủ sân golf với việc bổ sung sung vào quy hoạch 16 dự án đến năm 2030 và 17 dự án đến năm 2050.
Tương tự, Vĩnh Phúc dự kiến quy hoạch 40 dự án dịch vụ, du lịch, sân golf tập trung tại TP Phúc Yên và huyện Tâm Đảo đến năm 2030. Nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc khác cũng ồ ạt lên kế hoạch phát triển lĩnh vực này như Bắc Giang với 13 dự án, Quảng Ninh quy hoạch 22 sân golf, Thái Nguyên 13 sân golf.
Tại cuộc tọa đàm về đầu tư sân golf mới đây, ông Ngô Công Thành, nguyên Vụ phó Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng bùng nổ quy hoạch sân golf do thủ tục đầu tư các dự án này đã đơn giản hơn, các địa phương được trao quyền quyết định nhiều hơn.
Theo ông Thành, trước năm 2021, các dự án sân golf đều phải trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình Thủ tướng xem xét cấp chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 31/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, UBND các tỉnh đã được quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Chuyên gia này nói các địa phương quy hoạch sân golf như hiện nay hầu như đã có nhà đầu tư đặt hàng, chứ không phải "bánh vẽ". Ông dự báo đến năm 2030, Việt Nam có thể có đến 400-500 sân golf với việc quy hoạch phát triển của các địa phương như hiện tại. Hết năm nay, Việt Nam có khoảng gần 100 sân golf.
Ông lý giải đầu tư sân golf thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước bởi nhu cầu với bộ môn này tại Việt Nam đã bắt đầu tăng và còn nhiều tiềm năng trong tương lai. Đồng thời theo ông Thành, sau khi hết thời hạn thuê đất 50 năm, nhà đầu các dự án sân golf có thể được ưu tiên thuê tiếp hoặc xin chuyển đổi mục đích sử dụng sang phát triển khu đô thị, khu công nghiệp khi mạng lưới giao thông ở nhiều địa phương phát triển hơn.
Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhà nước cần xác định golf là một ngành kinh tế, mang lại hiệu quả tích cực cho các địa phương. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần xây dựng bản đồ golf trên toàn quốc, cũng như có chính sách thích hợp cho từng vùng, từng địa phương với lĩnh vực này. Ông nói thêm với các địa phương xa xôi, ít du khách, cần đơn giản thủ tục cấp phép sân golf để hấp dẫn nhà đầu tư trong bối cảnh một loạt tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đều mong muốn có sân golf.
Trong khi đó, TS Nguyễn Ngọc Chu, Tổng thư ký đầu tiên của Hiệp hội golf Việt Nam cho rằng không nên cấp quá nhiều đất cho một dự án sân golf, các địa phương cần thận trọng hơn. "Một sân golf cần 50 ha đất là đủ, một số cấp đến 100-120 ha là thừa thãi", ông Chu nói và lưu ý cơ quan quản lý cũng không được cho nhà đầu tư ôm đất, được giao là phải triển khai dự án.
Còn ông Ngô Công Thành cho rằng các địa phương cũng cần thận trọng khi lựa chọn vị trí đặt sân golf, tránh gây xung đột lợi ích với người dân. Ông dẫn chứng một dự án ở Hòa Bình trước đây với vốn đầu tư 80 tỷ đồng nhưng làm vào vị trí có nhiều hồ chứa nước, phải chuyển đổi 2 ha rừng khiến người dân phản ứng, nên đến nay vẫn bỏ hoang.
Với lĩnh vực golf hiện tại, ông Chu nhận xét giá thành để chơi vẫn rất đắt đỏ, tối thiểu 3-5 triệu mỗi lần lên sân là rào cản phát triển bộ môn này. Theo ông, trước khi các nhà đầu tư sân golf tính đến thu hút du khách nước ngoài, cần nghĩ để người Việt được hưởng thụ trước. "Kinh tế Việt Nam chưa bằng Mỹ, Australia, nhưng chi phí đánh golf lại hơn nhiều các nước này là điều không hợp lý", ông Chu nói.
Theo ông để hạ giá thành, Việt Nam cần có nhiều sân golf hơn để phá thế độc quyền trên thị trường. Chuyên gia này dự tính phải có 500 sân golf thì chi phí chơi tại Việt Nam mới rẻ như các nước phát triển, có những sân chỉ mất 20-30 USD, người chơi tự kéo chở đồ.
Anh Tú